Bí quyết tìm việc dành cho sinh viên mới ra trường
Bạn là sinh viên đã hoặc chuẩn bị tốt nghiệp? Lần đầu tiên đi xin việc? Lần đầu tiên viết CV? Lần đầu tiên đi phỏng vấn? Có quá nhiều “lần đầu tiên” đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời khiến bạn lo lắng. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm gì để vượt qua nỗi lo này và tự tin bước vào con đường tìm việc làm đây?
Hãy để Vieclamsales chia sẻ cho các bạn một vài “bí kíp” bỏ túi, giúp bạn cảm thẩy tự tin hơn khi bắt tay vào quá trình tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân nhé!
- Đánh giá bản thân
Xác định và liệt kê những sở thích của bạn, kỹ năng, mong muốn và thói quen làm việc của bạn. Khi bạn biết rõ được tính cách của bạn, bạn có thể dễ dàng xác định công việc và công ty phù hợp với mình.
- Tạo hồ sơ xin việc
Để tạo một hồ sơ xin việc hoàn chỉnh, bạn cần chuẩn vị những tài liệu cần thiết sau:
- Thư ngỏ, thư cảm ơn, thư nhận lời hoặc từ chối công việc
- CV xin việc
- Thư giới thiệu (nếu có)
- Các giấy tờ, bằng cấp liên quan (Bản sao học bạ, bằng cấp, chứng chỉ,…)
- Các giải thưởng, khen thưởng
- Tạo mạng lưới hỗ trợ
Hãy gọi điện cho bạn bè, người thân… để nhờ sự giúp đỡ của họ trong quá trình tìm việc. Họ sẽ là nguồn giúp đỡ tiềm năng, có thể sẽ mang lại việc làm tốt cho bạn.
- Tìm kiếm nhà tuyển dụng và công ty tiềm năng có nhu cầu tuyển nhân viên
Tìm kiếm những nhà tuyển dụng và công ty tiềm năng đang có nhu cầu tuyển nhân viên. Xác định xem công ty nào thực sự phù hợp với bạn, công ty nào thực sự có nhiều cơ hội để bạn phát triển tài năng. Tiếp đến, tìm kiếm tên của những người đang làm công việc mà bạn muốn ứng tuyển.
Chuẩn bị tất cả những tài liệu liên quan như ở mục 1 để nộp cho nhà tuyển dụng. Hãy đảm bảo rằng tất cả những tài liệu bạn chuẩn bị đều trông thật chuyên nghiệp. Tiếp đó, bạn có thể gửi hồ sơ xin tới công ty bạn muốn ứng tuyển qua hình thức trực tiếp hoặc online như: email, website tuyển dụng, …
- Tham dự phỏng vấn
Trước mỗi cuộc phỏng vấn, bạn nên tìm kiếm trước thông tin công ty. Tìm hiểu xem công ty hoạt động trên lĩnh vực nào và bạn có thể đóng góp gì cho sự phát triển, mục tiêu của công ty. Ăn mặc chỉnh tề và gọn gàng. Biết rõ là bạn muốn mức lương và thưởng là bao nhiêu, sẵn sàng thoả thuận khi có thể. Bạn nên gửi một lá thư cảm ơn sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, nhấn mạnh rằng bạn có thể mang lại những lợi ích gì cho công ty.
- Nhận lời hoặc từ chối công việc
Gửi thư cho công ty mà bạn ứng tuyển để trả lời là bạn chấp nhận lời mời của công ty hay không. Nếu bạn nhận lời làm việc cho công ty, hãy bày tỏ những đánh giá của bạn, lặp lại những điều khoản trong thư mời của công ty gửi cho bạn và hỏi xem khi nào bạn có thể bắt đầu công việc mới của mình. Ngoài ra, nếu bạn không nhận lời làm việc cho công ty, bạn cũng nên gửi một bức thư cho công ty giải thích lý do và thể hiện rằng bạn đánh giá rất cao về công ty.
- Đánh giá quá trình
Nếu bạn không xin được công việc đúng như mong muốn, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
- Tôi đã hoàn thành tốt mọi điều cần thiết hay chưa?
- Mỗi bước trên, tôi đã làm tốt đến đâu?
- Tôi cần phải cải thiện những điều gì?
Và quan trọng hơn cả, kinh nghiệm làm việc là phần mà các nhà tuyển dụng đặt nhiều sự chú ý, kể cả khi xét duyệt CV của một sinh viên mới ra trường. Điều này có nghĩa, sinh viên cần cố gắng tích lũy được càng nhiều kinh nghiệm càng tốt, đặc biệt là những kinh nghiệm làm việc liên quan tới công việc hoặc lĩnh vực đang theo đuổi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn có thể tham gia làm việc bán thời gian, làm thực tập sinh cho các công ty, tổ chức, tham gia công tác tình nguyện để mở rộng trải nghiệm thực tế và nắm lấy cơ hội rèn luyện và áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình.
Có được sự tự tin từ việc chuẩn bị kỹ càng, quá trình tìm việc làm sau tốt nghiệp sẽ bớt căng thẳng và trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Hãy nghiêm túc suy nghĩ và lên kế hoạch cho bản thân, dự liệu trước để sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống có thể xảy ra. Như vậy, nỗi lo tìm việc sẽ không còn là một vấn đề quá lớn nữa!